4 LẦM TƯỞNG VỀ DU HỌC AUSTRALIA

 

Nhiều sinh viên tưởng chương trình đại học ở Australia nhẹ hơn ở Việt Nam, du học nước này dễ làm thêm kiếm tiền và có nhiều cơ hội định cư, nhưng thực tế không hẳn như vậy.

Dưới đây là 4 điều mà sinh viên thường hay lầm tưởng khi đi du học tại đất nước này.

 

1. Có band điểm IELTS cao là đủ

 

Hầu hết du học sinh Việt Nam nói tiếng Anh với giọng (accent) nặng vì ít có cơ hội học cũng như giao tiếp với người bản xứ trước khi ra nước ngoài. Nhiều bạn đạt IELTS 8.5, tự tin cho rằng mình sẽ không gặp vấn đề gì khi giao tiếp, nhưng thực tế không như vậy, theo quan sát của tôi.

Chỉ cần quên nhấn trọng âm, nói thiếu một âm cuối, người Australia nếu không có kinh nghiệm tiếp xúc nhiều với người nước ngoài cũng không hiểu được bạn nói gì. Ngược lại khi họ nói mình cũng không nghe ra. Điều này làm cho du học sinh trở nên mất tự tin, rụt rè, ngại giao tiếp.

Ngôn ngữ là một kỹ năng, và kỹ năng đó sẽ mai một nếu không rèn luyện, trau dồi thường xuyên. Du học, không riêng gì ở Australia, không có nghĩa là ai cũng sẽ “nói tiếng Anh như gió”.

 

2. Chương trình học ở Australia “nhẹ và dễ”

 

Một kỳ ở trường đại học Australia ngắn, chỉ 13 tuần nhưng khối lượng bài vở thì khổng lồ. Sinh viên bản xứ có thể học bán thời gian nhưng sinh viên quốc tế bắt buộc học toàn thời gian, ít nhất bốn môn mỗi học kỳ. Ở tuần thứ tư sẽ có bài kiểm tra, tuần chín có thuyết trình và nộp bài tập lớn (assignmnent)/ bài luận 3.000 chữ, tuần 13 ôn tập, sau đó thi cuối học kỳ.

Mỗi môn học sinh viên có hai giờ lý thuyết, một giờ thực hành/ làm bài tập ở trường và khoảng sáu giờ tự học/ tham khảo tài liệu mỗi tuần, nếu muốn có kết quả tốt. Đạo văn là điều bị kiểm soát gắt gao trong trường đại học Australia. Khi nộp bài luận, phần mềm sẽ kiểm tra xem bài có sao chép không. Thi cử cũng rất nghiêm ngặt, quay cóp hầu như là không thể.

Hơn nữa trong khi sinh viên bản xứ đã quen làm việc nhóm, sinh viên Việt thích làm việc một mình, không có người chia sẻ, vô hình trung tự gây áp lực cho mình.

 

Thư viện luật tại Đại học Sydney

 

3. Dễ dàng kiếm nhiều tiền nhờ làm thêm

 

Du học sinh tại Australia được phép làm thêm tối đa 20 giờ/ tuần trong năm học và làm thêm toàn thời gian trong thời gian nghỉ giữa các học kỳ. Tuy nhiên đa số du học sinh làm thêm chỉ đủ để trả chi phí sinh hoạt như tiền thuê nhà, ăn uống, đi lại. Một số ít phải làm việc cật lực mới đủ tiền đóng học phí. Có tiền gởi về cho gia đình ở Việt Nam là chuyện hy hữu. Mục đích của du học sinh là đi học, không phải đi làm nhưng nhiều bạn bị cuốn vào vòng xoay kiếm tiền đóng học phí, không có thời gian học, thi rớt, lại phải kiếm tiền đóng phí học lại.

Mức lương tối thiểu hiện nay ở Australia được chính phủ ấn định khoảng $20/giờ nhưng còn tùy theo độ tuổi, kinh nghiệm, làm thời vụ hay bán thời gian. Đa số sinh viên Việt Nam do khả năng tiếng Anh hạn chế, ít khi tìm được việc tốt, phải làm cho những nơi trả tiền mặt, lương thấp, đãi ngộ kém.

 

4. Điều kiện định cư dễ dàng

 

Các trung tâm tư vấn du học luôn vẽ ra một tương lai hứa hẹn sau khi du học nhất là định cư ở Australia. Đa số du học sinh xin định cư theo diện tay nghề, bằng cấp. Tuy nhiên luật di trú Australia thay đổi mỗi năm tùy theo yêu cầu của thị trường lao động, nền kinh tế và khuynh hướng của đảng cầm quyền. Ví dụ ngành kế toán trước đây có thể xin visa thường trú nhưng hiện nay không còn “hot”. Nhiều du học sinh bỏ công sức 3-4 năm học hành nhưng sau đó không sử dụng tấm bằng để xin định cư được vì luật thay đổi.

Các bạn du học sinh hay nói đùa với nhau là “Đường lên đỉnh PR” để ví việc xin PR (permanent residency – thường trú, tương tự như “thẻ xanh” của Mỹ) cũng khó như thi “Đường lên đỉnh Olympia”.